Cáo buộc tham nhũng Benazir_Bhutto

Chính phủ các nước Pháp, Ba Lan, Tây Ban NhaThụy Sĩ đã cung cấp chứng cứ cho chính phủ Pakistan về những cáo buộc được cho là tham nhũng nhắm vào Bhutto và chồng bà, trong đó có cáo buộc rửa tiền qua các ngân hàng Thụy Sĩ. Zardari, được trả tự do năm 2004, nói đến sự tra tấn ông phải chịu trong thời gian bị cầm tù, các tổ chức nhân quyền hậu thuẫn ông, cho rằng những tố giác này là có thật.

Một báo cáo năm 1998 cho thấy các điều tra viên Pakistan phát hiện những tài liệu về một mạng lưới tài khoản ngân hàng, tất cả đều liên quan đến luật sư của gia đình Bhutto tại Thụy Sĩ, với Asif Zardari là cổ đông chính. Những tư liệu do giới hữu trách Pháp cung cấp cho thấy Zardari dành ưu tiên cho Dassault, một nhà sản xuất máy bay của Pháp, trong chương trình thay thế phản lực cơ chiến đấu cho không quân; đổi lại 5% tiền hoa hồng được chuyển cho một công ty Zardari nắm quyền kiểm soát ở Thụy Sĩ. Tài liệu này cũng đề cập đến một công ty Dubai được độc quyền nhập khẩu vàng vào Pakistan, nhờ đó Zardari nhận 10 triệu USD trả vào các tài khoản của ông tại Citibank ở Dubai. Chủ công ty này đã bác bỏ các cáo buộc trên. Bản báo cáo cho biết cha mẹ của Zardari, chỉ có một tài sản khiêm tốn khi con trai của họ kết hôn với Bhutto, nay sở hữu một lãnh địa rộng 355 mẫu Anh ở phía nam Luân Đôn. Lãnh địa này đã bị bán đấu giá theo lệnh của tòa án.

Bhutto vẫn duy trì luận cứ cho rằng mọi cáo buộc chống bà và chồng bà đều xuất phát từ những âm mưu chính trị, Bà nói: "Hầu hết những tài liệu này là giả mạo, cũng như các câu chuyện xung quanh chúng đều hoàn toàn sai lạc". Một tường trình của Tổng Kiểm toán Pakistan ủng hộ quan điểm của Bhutto, đưa ra những thông tin cho rằng việc Benazir Bhutto bị truất bỏ quyền lực trong năm 1990 là kết quả của một chiến dịch bôi nhọ Bhutto có sự hậu thuẫn của tổng thống Ghulam Ishaq Khan, và vạch ra rằng Khan đã trả một khoản tiền bất hợp pháp 28 triệu ruppee cho các cố vấn pháp lý để họ xúc tiến 19 vụ kiện chống Bhutto và chồng bà về tội danh tham nhũng từ năm 1990 đến 1992.

Tuy nhiên, cho đến nay nhiều người vẫn tin rằng Bhutto và chồng có dính líu đến việc nhận những khoản hoa hồng trị giá hàng trăm triệu USD từ những hợp đồng và các vụ đấu thầu của chính phủ. Song, Bhutto và Musharaf vừa đồng ý với nhau về một thỏa thuận chia sẻ quyền lực, theo đó Bhutto được phép tiếp cận tài khoản của bà tại ngân hàng Thụy Sĩ trị giá 1, 5 tỉ USD.

Thụy Sĩ

Ngày 23 tháng 7 năm 1998, chính phủ Thụy Sĩ giao cho chính phủ Pakistan những văn kiện liên quan đến các cáo buộc tham nhũng chống lại Benazir Bhutto và chồng bà, bao gồm một cáo buộc chính thức của giới chức Thụy Sĩ về tội rửa tiền dành cho Zardari. Chính phủ Pakistan tiến hành một cuộc điều tra rộng rãi trong năm 1997 nhằm kiểm tra số tiền hơn 13,7 triệu USD đã bị đóng băng theo lệnh của giới hữu trách Thụy Sĩ, người ta cho rằng Bhutto và chồng đã kín đáo ký thác số tiền này vào các nhà băng.

Ngày 6 tháng 8 năm 2003, tại tòa án Thụy Sĩ, Benazir và chồng bị buộc tội rửa tiền và bị kết án sáu tháng tù treo, nộp phạt 50.000 USD và phải hoàn trả cho chính phủ Pakistan 11 triệu USD. Benazir và Zardari đã ký thác vào tài khoản ở Thụy Sĩ 10 triệu USD, tiền "lại quả" từ một công ty Thụy Sĩ sau khi công ty này giành được một hợp đồng tại Pakistan. Hai người cho biết họ sẽ kháng án. Theo các điều tra viên Pakistan, năm 1995 Zardari mở một tài khoản tại Citibank ở Genève, qua tài khoản này Zardari đã chuyển khoản 40 triệu trong số tiền 100 triệu USD tiền hoa hồng từ các công ty nước ngoài đang làm ăn tại Pakistan.

Ba Lan

Chính phủ Ba Lan công bố một tài liệu dày 500 trang liên quan đến những cáo buộc tham nhũng chống Benazir Bhutto và chồng bà, trong đó có một hợp đồng ký năm 1997 mua 8.000 chiếc máy kéo. Theo các viên chức Pakistan, trong tài liệu này còn có những chi tiết liên quan đến những khoản hoa hồng bất hợp pháp mà công ty máy kéo đã chi trả để có được hợp đồng, số tiền lên đến 2 triệu USD.

Pháp

Trong những tài liệu được công bố, vụ làm ăn đắt giá nhất là thương vụ có dính líu đến tập đoàn hàng không Dassaut Aviation. Giới hữu trách nước Pháp cho biết, năm 1998 chồng của Bhutto, Zardari, đề nghị dành độc quyền cho Dasault trong đề án thay thế chiến đấu cơ phản lực cho không quân Pakistan, để nhận 5% tiền hoa hồng; số tiền này được chuyển cho một công ty của Zardari ở Thụy Sĩ.

Vào lúc ấy, luật chống tham nhũng của Pháp cấm hối lộ các viên chức Pháp, nhưng lại cho phép "lại quả" cho các viên chức nước ngoài. Tuy vậy, đến năm 2000 Pháp đã thay đổi bộ luật này.

Trung Đông

Trong số các khoản tiền lớn nhất được trả một lần mà các điều tra viên phát hiện, có vụ một nhà buôn vàng thỏi ở Trung Đông đã ký thác ít nhất 10 triệu USD vào các tài khoản của Zardari, sau khi chính quyền dành cho nhà buôn này độc quyền nhập khẩu vàng nhằm duy trì ngành công nghiệp kim hoàn của Pakistan. Người ta tin rằng số tiền trên được chuyển vào tài khoản của Zardari tại CitibankDubai.

Bờ biển Ả Rập của Pakistan, trải dài từ Karachi đến biên giới Iran, từ lâu là lãnh địa của giới buôn lậu vàng. Mãi cho đến đầu nhiệm kỳ thứ hai của chính phủ Bhutto, các thương vụ lên đến hàng trăm triệu USD hằng năm vẫn diễn ra rầm rộ ở đây với vàng miếng gọi là biscuit, sau này là vàng thỏi, được vận chuyển bằng máy bay và thuyền qua lại trên Vịnh Ba Tư mà không gặp trở ngại nào ở bờ biển Pakistan.

Sau khi Bhutto trở lại cầm quyền năm 1993, một nhà buôn vàng thỏi người Pakistan ở Dubai, Abdul Razzak Yaqub, đưa ra một đề xuất: để được độc quyền nhập khẩu vàng, Razzak sẽ giúp chính phủ đưa việc mua bán vàng vào qui củ. Tháng 11 năm 1994, Bộ Thương mại Pakistan cho Razzak biết ông đã được cấp giấy phép, ít nhất trong hai năm, để trở thành nhà nhập khẩu vàng độc quyền cho Pakistan. Trong một cuộc phỏng vấn tại văn phòng của mình ở Dubai, Razzak thừa nhận đã sử dụng giấy phép này để nhập khẩu lượng vàng trị giá hơn 500 triệu USD vào Pakistan, và thêm rằng ông đã đến Islamabad vài lần để gặp Bhutto và Zardari, nhưng bác bỏ bất cứ vụ hối lộ hoặc thỏa thuận ngầm nào. Razzak nói "Tôi không trả một xu nào cho Zardari".

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Benazir_Bhutto http://www.news.com.au/heraldsun/story/0,21985,229... http://www.atimes.com/atimes/South_Asia/FK03Df03.h... http://www.bloomberg.com/apps/news?pid=20601087&si... http://edition.cnn.com/2005/WORLD/asiapcf/04/15/pa... http://www.cnn.com/2007/WORLD/asiapcf/12/27/bhutto... http://www.cnn.com/2007/WORLD/asiapcf/12/27/pakist... http://www.cnn.com/2007/WORLD/asiapcf/12/27/pakist... http://www.famousmuslims.com/benazir%20bhutto.htm http://www.highbeam.com/doc/1G1-9010986.html?refid... http://www.hindustantimes.com/StoryPage/Fullcovera...